Kính thưa Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể quý thầy cô giáo, các em học sinh thân mến.
Nhân kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8.3 và ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngày 26/03. Thư viện trường THPT Nguyễn Tất Thành xin giới thiệu đến các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" do NXB Hội Nhà Văn ấn hành, sách dày 321 trang, khổ 13x20,5cm
Người chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm…Tác giả những dòng nhật ký sau đây bạn đọc sẽ đọc thuộc về một lớp người khác đặc biệt trong đời sống tinh thần xã hội ta từ sau 1945 - họ có mặt trong công cuộc chiến đấu chống Mỹ từ mấy năm đầu tiên, khi ở
miền Nam, các cơ sở cách mạng triển khai đến tận huyện đồng bằng, và trên toàn quốc, cuộc chiến tranh dù đã gian khổ nhưng chưa có cái không khí bức bối khắc nghiệt như từ đầu năm 70 trở đi. Và một điều đáng nói nữa: trước đó, họ thuộc lứa thanh niên đầu tiên được đào tạo theo tinh thần của những người đi kháng chiến chống Pháp, cái tinh thần "cuộc sống mới", ấp ủ từ những ngày Việt Bắc gian khổ mà hào hùng. Hà Nội trước chiến tranh thanh bình, yên ả lạ thường. Bao trùm xã hội là một không khí thiêng liêng, thành kính. Ngay đối với người dân thường, mọi chuyện làm ăn sinh sống chỉ có ý nghĩa là sự chuẩn bị cho ngày mai có mặt ở chiến trường. Nền kinh tế tem phiếu chưa làm mấy ai khó chịu.
Tốt nghiệp đại học 1966, Thùy Trâm lại xung phong đi khá xa, vào tận Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ở đó chị làm công việc đặc trưng cho phụ nữ trong chiến tranh là phụ trách một bệnh viện huyện, và từ đó tạo nên cho mình một số phận.
Không phải ngẫu nhiên, hai người lính tham báo Mỹ hôm qua, trong bức thư gửi tới người mẹ của liệt sĩ vừa viết mới đây, khẳng định một cách chắc chắn như đinh đóng cột: "Trên bất cứ đất nước nào trên thế giới, điều đó đều được gọi là anh hùng".
Họ muốn nói tới cái sự việc từng ám ảnh họ một thời gian dài: người bác sĩ này đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những thương binh, và đã ngã xuống như một người lính vừa rời tay súng.
Tuy nhiên, theo tôi, trước khi để cái hành động dũng cảm cuối cùng Thùy Trâm "đóng dinh" vào tâm trí mình, những người lính bên kia chiến tuyến thật ra đã bị chinh phục. Phải có một nhân tố nào nữa, thiết yếu hơn, khiến họ tự nhủ phải cứu bằng được cuốn nhật ký rồi bị hút theo chị, mải miết tìm cách giải mã những dòng chữ chị ghi và sau này còn để rất nhiều thời gian lần theo dấu vết của chị.
Chỉ có toàn bộ con người Thùy Trâm mới đóng nổi vai trò đẹp đẽ đó.
Gần đây, khi đi ra với thế giới, nhiều người trong chúng ta chợt hiểu ra một sự thực: hai chữ ViệtNam bất lâu mới chỉ gắn với một cuộc chiến tranh. Và chúng ta còn phải phấn đầu nhiều để người ta hiểu rằng ViệtNam còn là một xã hội, một đất nước, một nền văn hóa.
Ngay từ lúc ấy, trong vai trò một chiếc sĩ, Thùy Trâm đã tự chứng tỏ mình còn là một con người với nghĩa rộng rãi nhất của từ này.
Một mặt, chị có ý thức về bổn phận. Chị yêu thương mọi người. Chị đau nỗi đau của mỗi bệnh nhân đến với mình. Chị muốn trở thành một người tốt. Những cách nói mà với một số bạn trẻ ngày nay tưởng như là công thức (chẳng hạn trái tim đập cùng một nhịp với nhân dân đất nước, chẳng hạn niềm yêu thương vô hạn độ) chính là những lẽ sống đã được Thùy Trâm tự nguyện chấp nhận.
Mặt khác, chị vẫn dành riêng cho mình một cuộc sống riêng tư. Chị tha thiết với thiên nhiên cây cỏ. Một phần tháng ngày của chị được dệt bằng những vui buồn của quá khứ. Trong khi thất bại trong tình cảm riêng, con người này lại biết tìm ra ngay từ những người chung quanh những yếu tố tốt đẹp, rồi lý tưởng hóa thêm lên để biến họ thành những biểu tượng sinh động, bù đắp cho một cuộc sống nội tâm vốn quá dồi dào, quá nồng nhiệt.
Có một quy ước những ai ở vào lứa tuổi chúng tôi đều biết và tự nguyện ghi nhớ, tự nguyện tuân theo, đó là không nên nói nhiều đến cô đơn cùng nỗi buồn. Sự phức tạp của tình cảm lại càng là điều cầm kỵ. Cái gì cũng phải rành rẽ. Đơn giản. Rõ ràng - cái kiểu rõ ràng thô thiển một chiều. Về phần mình mặc dù là con người hết lòng tin vào lý tưởng, song Thùy Trâm không bị những luật lệ không ghi thành văn bản ấy ràng buộc.
Với sự nhạy cảm của một của một trí thức, chị lắng nghe trong mình mọi băn khoăn xao động. Chị không xa lạ với những phân vân khó xử. Trong nhật lý, người nữ bác sĩ ghi ra gần hết tất cả những cung bậc tình cảm mà ai người ở vào địa vị ấy đều trải qua, và có cảm tưởng chỉ làm như vậy mới tìm được sự cân bằng cần thiết.
Tuy cái chết không được miêu tả nhiều trong nhật ký, nhưng trong tâm trí Thùy Trâm, nó luôn luôn có mặt. Nó đứng thấp thoáng đằng sau các sự kiện, và cuộc đối diện với cái chết làm nên một phần nội dung cuộc sống, tức cũng là làm nên vẻ đẹp cao thượng của con người lúc đó mới 27 tuổi này.
Có những trang nhật ký chị luôn cảm tự hào: "Tôi có cái can đảm sống khác thường. Tôi luôn luôn cảm thấy mình sao khoẻ thế, sao tự do và trẻ trung thế". "Thật lạ cho điều này: tôi chưa bao giờ rời bỏ hy vọng. Chúng có vẻ phi lý và khó thành tựu. Song mặc tất cả, tôi vẫn bám vào chúng. Vì tôi tiếp tục tin vào lòng tốt thiên bẩm của con người".
Những dòng chữ đơn giản đó hoàn toàn có thể đặt lẫn vào nhật ký Thùy Trâm mà không gượng gạo.
Còn một điểm nữa làm nên sự gần gũi giữa Thùy Trâm với Anne rank, nó cũng là lý do khiến bọn tôi chọn cho tập ghi chép của chị cái tên đơn giản như hiện nay, đó là cái thể loại mà họ sử dụng - thể nhật ký.
Trong đời sống không thiếu gì những người khi bước vào đời háo hức định ghi nhật ký để rồi nửa đường đứt gánh bỏ dở. Khi bắt tay viết họ thường tự nhủ mình sẽ thành thực với mình. Có biết đâu cái tôi của họ nghèo nàn nên đó là một sự thành thực vô nghĩa. Và họ không sao tìm đủ nghị lực duy trì nhật ký đến cùng.
Anne Frank thú nhận: "Điều tuyệt diệu nhất là tôi có thể viết ra tất cả những gì cảm nghĩ bằng không sẽ chết ngạt mất".
"Những người nào không viết không biết được những kỳ ảo của nó. Ngày xưa tôi luôn luôn đau đớn vì không biết vẽ; nhưng bây giờ lòng tôi phơi phới vì ít ra tôi đã có thể viết".
Thùy Trâm không có những tuyên bố hùng hồn như vậy, nhưng quả thật với chị, nhật ký đã trở thành một phần cuộc đời. Trong nhật ký chị tìm ra một con người khác với một Thùy Trâm mọi người vẫn biết hàng ngày. Để chia sẻ. Để thú nhận. Để tìm thêm niềm tin. Và đôi khi như là để làm nũng với mình một chút, lối làm nũng chỉ chứng tỏ rằng vẫn có một thế giới riêng của mình mà không ai thông cảm hết.
Tất cả những yếu tôi đó làm nên sức hấp dẫn của những trang nhật ký. Với chị, cái hấp dẫn ấy giúp chị có đủ hào hứng ghi chép một cách đều đặn. Với người đọc hôm nay, nó làm nên sức cuốn hút của những tâm sự, mặc dù trong hoàn cảnh đổi khác, mọi người đã nghĩ khác.
Do đặc điểm riêng của chiến tranh, ngay từ những ngày ấy, bao niêu công sức chúng ta để cả vào việc động viên nhau ra trận. Còn chính cuộc sống mỗi người trong lúc đó thì mới được ghi chép rất ít. Mỗi khi nói về chiến thắng, ta vẫn biết với nhau những lời lẽ mọi người đã từng nghe mấy chục năm trước. Tại sao? Phần thì những sôi động để kiếm sống để tồn tại lúc nào cũng cuốn hút mọi người. Phần nữa cũng là bởi ta chưa có ý thức đầy đủ về lịch sử, về sự có mặt của quá khứ trong hiện tại.
Ngay sau khi biết rằng đây là một cuốn một cuốn ký viết trong chiến tranh, có thể các bạn đọc trẻ tuổi sẽ không thích thú, nhưng các bạn nên dành ít thời gian để đọc cuốn nhật ký này, vì ở đây bạn sẽ không tìm thấy những lời khuyên nhủ mà chỉ bắt gặp một con người với một cuộc sống cụ thể của thời chiến. Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng.
Còn với chúng ta, tin rằng nó sẽ giúp cho người đọc hiểu thêm về sự dũng cảm hy hinh của dân tộc ta nói chung và những con người trí thức trong chiến tranh nói riêng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm có cái nhân tố nhân văn cao cả. Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.
Thư viện trường THPT Nguyễn Tất Thành xin trân trọng giới thiệu và kính mời quý thầy cô giáo cùng các em học sinh đón đọc.
Xin cảm ơn quý thầy cô giáo cùng các em học sinh đã chú ý lắng nghe.